KIẾN THỨC DU LỊCH
  • Đường dây nóng: 0909. 144. 523
  • Email: info@168tour.com.vn
Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TÌM HIỂU GIÁ TRỊ VĂN HÓA CỦA NGƯỜI VIỆT Ở NAM BỘ: TRƯỜNG HỢP NGƯỜI CON GÁI ÚT

Bài viết ngắn này là một cố gắng nhỏ để đóng góp vào việc nhận diện hệ giá trị văn hóa của người Việt ở Nam Bộ. Ngoài những nét chung, mang tính cơ bản của văn hóa người Việt trong cả nước, người Việt ở Nam Bộ còn có những nét riêng, những đặc điểm văn hóa của một vùng miền. Những nét riêng đó, đã được tạo hình trong quá trình thích nghi, ứng xử với môi trường sống, không gian xã hội của cộng đồng người Việt trên đất Nam Bộ. Tìm hiểu vai trò, vị trí của người con gái út trong văn hóa người Việt ở Nam Bộ, theo chúng tôi, chỉ là một dẫn liệu nhỏ góp vào việc minh họa cho hệ giá trị văn hóa của người Việt Nam Bộ.

PGS.TS. Phan An

1. Đối với người con gái út ở Nam Bộ có câu nói quen thuộc và phổ biến: “Giàu út ăn, khó út nhịn (hoặc chịu)”. “Út” ở đây là nhằm chỉ người con gái út trong gia đình người Việt ở Nam Bộ. Ở Nam Bộ, người Việt quen gọi nhau bằng thứ, ít khi dùng tên, như anh Hai, anh Ba, chị Tư, chị Năm, và cô Út (hoặc con Út), chú Út (hoặc thằng Út)… Đương nhiên, cô út hoặc cậu (chú) út là người nhỏ nhất nhà về tuổi cũng như về thế thứ. Chính ở vào cái vị thế như vậy, nên cô gái út (và cả cậu út) được cả nhà cưng chiều, quý mến, nhưng cũng bị coi thường, đôi khi còn bị mắng mỏ, quát tháo, hoặc sai khiến bởi những người bề trên. Tuy nhiên, các bậc làm cha mẹ lại dành sự lo lắng, thương chiều người con út hơn các con lớn, đặc biệt là với con gái út. Bởi lẽ, trong thời kì cha mẹ còn mạnh khỏe, còn lao động được thì những con lớn dần tự lập, chỉ còn con út nhỏ dại, vì vậy, cha mẹ lo cho con út sau này khi họ già yếu, hoặc xế bóng, con út sẽ bơ vơ, vất vả, không nơi nương tựa.

2. Thường trong gia đình ở Nam Bộ, các con khi khôn lớn, lập gia đình, trai lấy vợ, gái lấy chồng được cha mẹ cho ra ở riêng, hoặc họ xin ra ở riêng để được độc lập, có điều kiện chủ động làm ăn. Những người con trai, khi lấy vợ thường làm nhà gần nhà cha mẹ, trong cùng xóm, ấp. Còn con gái đôi khi theo chồng về nhà chồng nơi xa xôi, heo hút, mặc dù phần nhiều cô gái mong muốn lấy chồng gần, hoặc cha mẹ cũng muốn gả con gần nhà. Những người con lập gia đình đã ra riêng, bây giờ cha mẹ chỉ còn ở lại với những người con chưa có gia đình riêng. Cuối cùng thì chỉ còn người con út. Nhưng giữa người con trai út và con gái út trong gia đình cũng có khác nhau về thân phận và vai trò, vị trí. Trong chừng mực nào đó, tình cảm giữa cha mẹ với người con gái út và ngược lại cũng có phần ưu ái hơn so với người con trai út.

3. Về mặt tâm lý, người Việt ở Bắc Bộ hoặc Nam Bộ, trước đây đều muốn có đông con và có đầy đủ con trai con gái, quen gọi là “có nếp có tẻ”, và nếu có con gái đầu lòng là nhất: “ruộng sâu, trâu nái, không bằng có con gái đầu lòng”. Tuy nhiên, nếu chọn một trong hai trường hợp, có toàn con gái, hoặc toàn con trai, thì phần nhiều chọn có con trai. Điều đó cũng dễ hiểu vì người Việt theo chế độ phụ hệ, tính dòng máu về phái người đàn ông, và ảnh hưởng của Nho giáo khá đậm. Nho giáo xem thường người phụ nữ, có sự bất bình đẳng giới trong xã hội, chỉ có con trai mới có quyền nối dòng, mới được thờ cha mẹ.

Đến vùng đất Nam Bộ, định cư và mưu sinh, người Việt mang theo vốn hành trang văn hóa từ phương Bắc, trong đó có chế độ phụ hệ, và ít nhiều ảnh hưởng Nho giáo. Tuy nhiên, trong một bối cảnh sinh tồn có khác biệt với phía Bắc hoặc miền Trung, người Việt đã có những thích ứng, chuyển đổi văn hóa nhất định. Sự cố kết cộng đồng của người Việt ở Nam Bộ, quan hệ láng giềng có phần chiếm ưu thế hơn quan hệ huyết thống. Những quan niệm về chữ tình, chữ hiếu, giữa tình và nghĩa, giữa nghĩa khí và tiền tài của người Việt Nam Bộ có ít nhiều chuyển đổi so với phía Bắc. Nho giáo ở Nam bộ cũng có những nét riêng so với phía Bắc và Trung bộ, nơi đã có thời gian tồn tại lâu dài. Cộng vào đó, sự chung sống, cùng khai mở và gìn giữ vùng đất Nam Bộ với nhiều tộc người khác như Khmer, Hoa, Chăm… dẫn đến những giao lưu, tác động đến văn hóa của người Việt Nam Bộ. Với người Khmer, Chăm, trong văn hóa địa vị và vai trò của người phụ nữ chiếm ưu thế, yếu tố mẫu hệ còn bảo lưu đậm nét. Hệ quả của những tác động và ảnh hưởng trên đây, vai trò và vị trí của người phụ nữ Nam Bộ cũng có khác ít nhiều với phía Bắc, họ được đề cao và tôn trọng hơn, họ được thoáng mở hơn. Sự hiếu kính với cha mẹ của người phụ nữ Nam Bộ luôn được đề cao hàng đầu. Nếu đối với người con gái xứ Bắc, cái ý thức “xuất giá tòng phu” là trước hết:

“Vai mang khăn gói sang sông

Mẹ kêu mặc mẹ, có chồng phải theo”

thì người con gái Nam Bộ:

“Mất cha, mất mẹ thì khó kiếm

Đạo vợ chồng chẳng hiếm chi nơi”

4. Trở lại chuyện người con gái út ở Nam Bộ. Người con gái út trước hết là một cô gái Nam Bộ, cái đạo thờ cha mẹ có phần lấn át chuyện “thờ chồng”. Cô út sẽ là người con cuối cùng ở với cha mẹ, trách nhiệm chăm sóc lo lắng cho cha mẹ ngày càng đè nặng lên vai cô, vì các anh chị lớn lần lượt ra riêng, mà cha mẹ thì ngày càng già yếu. Vì vậy, ở Nam Bộ không ít trường hợp những cô con gái út ở vậy, không chịu đi lấy chồng hoặc lấy chồng muộn để lo cho cha mẹ đến lúc mãn phần. Chính điều đó đã đề cao vị trí của người con gái út, và cha mẹ yên tâm trông cậy, nương tựa vào người con gái út. Ngay cả khi người con gái út lấy chồng, thì phần nhiều những anh chồng này thường ở rể bên nhà vợ, cùng vợ lo chăm sóc bố mẹ vợ.

Cuối cùng, khi cha mẹ qua đời, việc thừa kế tài sản thuộc về người con gái út, có thể toàn bộ gia sản, hoặc một phần nhưng là phần hơn, trong đó có ngôi nhà và mảnh vườn của cha mẹ để lại. Trách nhiệm của cô út giờ đây là lo việc thờ phụng, hương khói, giỗ chạp cha mẹ. Cha mẹ giàu có, nhiều đất ruộng, tài sản thì cô út may mắn được hưởng nhiều, còn cha mẹ nghèo thì cô cũng ráng chịu, nhưng việc hương khói, thờ cúng cha mẹ cô vẫn phải đảm nhiệm. Với cái đạo lý “trọng nghĩa” của người Nam Bộ thì chắc hẳn không người anh trai, chị gái nỡ nào nỡ tranh giành với cô út, mà phần lớn họ còn san sẻ giúp đỡ cô út lúc khó khăn cơ nhỡ!

5. Từ những thực tế trên đây, có thể thấy vai trò vị trí của cô gái út của người Việt ở Nam Bộ có khác biệt ít nhiều so với các vùng miền phía Bắc. Đó là cô được kế thừa một phần tài sản của cha mẹ với sự ưu tiên nhiều hơn, và cô cũng được quyền thờ phụng, cúng giỗ cha mẹ, ông bà. Cô không phải là: “nữ nhi ngoại tộc”, con gái là người ngoài họ như ở nhiều địa phương khác, con gái không được thừa kế tài sản, không thờ cha mẹ đẻ, chỉ thờ cúng cha mẹ chồng, lo việc cho nhà chồng.

Giải thích như thế nào về vai trò, vị trí của người con gái út ở Nam Bộ? Theo chúng tôi, có lẽ nên nhìn từ hai phía, cá nhân cô gái út, và cộng đồng người Việt ở Nam Bộ. Trước hết, bản thân người con gái Nam Bộ đã có vị trí, vai trò khác với những con gái vùng miền khác trên một số khía cạnh, họ cứng rắn hơn, quyết đoán hơn, không quá lệ thuộc vào người đàn ông.

“Anh về em nắm vạt áo em la làng

Phải bỏ chữ thương, chữ nhớ giữa đàng cho em!”

Người con gái út cũng như những người con gái Nam Bộ khác có ý thức về bản thân mình, về quyền lợi vật chất cũng như tinh thần. Họ không chấp nhận sự bất bình đẳng quá đáng đối với người đàn ông, họ muốn có quyền tự do lựa chọn, và tự do hành động, và cả vượt qua cái rào cản của một số quan niệm Nho giáo. Người con gái út, hẳn không vì lo báo đáp, chăm sóc cha mẹ về già mà được ưu ái hưởng gia tài, kế thừa tài sản của gia đình như một sự trả công. Người con gái út đã ý thức được vai trò của mình trong gia đình, dòng tộc, và cô cũng sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm với những anh chị em, mà cô lại đảm trách phần nhiều hơn. Việc thờ cúng cha mẹ cũng là sự khẳng định vị trí và vai trò của mình được bình đẳng với các anh chị khác.

Về phía cộng đồng, tức dòng họ, làng xóm của người Việt Nam Bộ, đối với cô gái út, và những người con gái Nam Bộ, họ cũng có những quan niệm, cái nhìn khác so với các vùng miền khác. Trong công cuộc khẩn hoang và gìn giữ bờ cõi đất phương Nam, người phụ nữ được coi trọng hơn. Chỉ riêng việc họ tham dự vào công cuộc mở đất, mở cõi đã là điều dũng cảm mà cả cộng đồng phải kính nể. Thứ nữa, là nguồn nhân lực để chinh phục đất đai vùng Nam Bộ có ý nghĩa quan trọng, người phụ nữ chính là người đã sinh đẻ và nuôi dưỡng bao thế hệ trong sự nghiệp mở mang và phát triển Nam Bộ. Cộng đồng đánh giá cao người phụ nữ là xứng đáng và cần thiết. Cái nhìn của con người đất Nam Bộ, ngay từ sớm đã thoáng mở, chấp nhận và đề cao vai trò vị trí của người phụ nữ, trong đó đặc biệt là cô gái út. Bởi lẽ, mọi người đã nhận ra những công lao, đóng góp của con gái út cho gia đình và dòng họ. Cộng đồng đã có sự chia sẻ, ưu ái với người con gái út trong gia đình. Họ cũng cảm thông với những may mắn và vất vả của cô gái út. Cái nhìn bình đẳng, ngang hàng của cô gái út với các anh chị là một tư duy có tính văn hóa của người Việt Nam Bộ.

6. Người con gái út ở Nam Bộ, không chỉ là nhỏ nhoi, út ít, được cả nhà cưng chiều, chăm sóc, mà cô trong tương lai sẽ phải đảm trách những công việc quan trọng trong gia đình. Cô vừa lo gia đình riêng của mình vừa lo chăm sóc cha mẹ già yếu, và quan tâm đến các anh chị ruột, anh chị em chồng… Có lẽ số cô gái út được “ăn” hẳn không nhiều lắm. Cô gái út, trong một góc độ nào đó, là sự phản ánh tiêu biểu, trung thực về người con gái Nam Bộ - những con người có vẻ yếu đuối, nhưng rất đảm đang và kiên cường trong cuộc sống. Cô con gái út, những người phụ nữ Nam Bộ, ngoài nét chung với phụ nữ Việt Nam, còn có những tính cách riêng. Điều đó giúp cho việc hiểu biết sâu hơn về những giá trị văn hóa của người Việt Nam Bộ. Những người phụ nữ Nam Bộ sẵn sàng chịu đựng, hi sinh bản thân mình vì mọi người, vượt qua những rào cản bất bình đẳng, coi thường người phụ nữ. Họ cũng là những người Việt Nam Bộ, những người “trọng nghĩa, khinh tài”.

Tài liệu tham khảo và trích dẫn

  1. Phan An 2012: Người Việt Nam Bộ. – H.: NXB Từ điển Bách Khoa.
  2. Phan An 2013: Tính cộng đồng làng xã Việt Nam và những hệ quả của nó (Trường hợp làng xã Nam Bộ). - Chuyên đề thuộc đề tài NCKH KX 04.15/11.15 do GS.TS. Trần Ngọc Thêm làm chủ nhiệm (x. trong tập này).
  3. Phan Thị Kim Anh 2014: Người phụ nữ Việt miền Tây Nam Bộ trong quan hệ gia đình và xã hội. - Chuyên đề nghiên cứu sinh khoa Văn hóa học, Trường ĐH KHXH và NV TP HCM.
  4. Sơn Nam 1997: Cá tính miền Nam. – TP. HCM: NXB Trẻ.
  5. Trần Ngọc Thêm (cb) 2013: Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ. – TP. HCM: NXB Văn hóa - Văn nghệ.

Nguồn: Bài viết tham gia hội thảo “Hệ giá trị Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. Kỷ yếu hội thảo in thành sách “Một số vấn đề về hệ giá trị Việt Nam trong giai đoạn hiện tại


Tác giả: PGS.TS. Phan An
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  © 2016 168 TRAVEL CO.,LTD. 
All rights reserved.