KIẾN THỨC DU LỊCH
  • Đường dây nóng: 0909. 144. 523
  • Email: info@168tour.com.vn
Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

CỌP TRONG KÝ ỨC DÂN GIAN NAM BỘ

Nam Bộ là vùng đất mới của phương Nam có quá trình hình thành và phát triển hơn ba thế kỷ (1698 - 2004). Trải qua bao biến đổi thăng trầm của lịch sử, Nam Bộ hôm nay là vùng đất trù phú, nơi dung nạp nhiều dân cư khác nhau từ mọi miền đất nước đến đây lập nghiệp. Quả là “đất lành chim đậu”. Ngày nay đến với đồng bằng Nam Bộ, ít người còn hình dung được cái thiên nhiên còn đầy vẻ hoang sơ của buổi đầu khai phá. Chính những câu truyện kể, truyền thuyết, các giai thoại còn tồn tại trong ký ức, các địa danh, ca dao dân ca mà các tài liệu địa chí đã ghi nhận được từ xa xưa truyền lại giúp ta hình dung được khung cảnh thiên nhiên ấy.

Bùi Ngọc Điệp

1. Dẫn nhập

Trong cái buổi ban đầu đi mở đất, một trong những lực lượng thiên nhiên hoang dã mà con người phải đối chọi rùng rợn nhất là hổ (hùm, cọp). Cọp có bộ mặt gân guốc, quai hàm mở rộng hoác hoạc, lưỡi thè lè đỏ lòm, mắt tròn to sắc lạnh, râu mép rung rinh thính nhạy, thân mình vạm vỡ, nặng từ cả tạ đến vài tạ. Bốn bộ móng vuốt khoằm khoằm sắc lẻm chộp đâu trúng đó, con người và bất kỳ loài thú nào khi đối mặt với cọp là đồng nghĩa đối mặt với tử thần. Có một thời con người đành bó tay sợ hãi, bất lực trước sự hoành hành của cọp, phải gọi chúng bằng Ông, được đưa vào miếu thờ với sức mạnh chúa sơn lâm để canh giữ bảo vệ đình miếu. Nhưng con người, với đà ngày càng sinh sôi phát triển, đã đẩy lùi giang sơn của cọp đến tận những vùng hẻo lánh. Tuy vậy, cho đến nay cọp vẫn còn bảo lưu trong ký ức của nhân dân địa phương, qua những câu chuyện kể, chuyện cổ tích (mà dân Nam Bộ gọi là chuyện đời xưa), truyện cười, thần thoại, ngụ ngôn trong tín ngưỡng dân gian bắt nguồn từ hiện thực mà con người phải chứng kiến, đối mặt. Thái độ của con người đối với cọp chuyển biến từ sợ hãi, đến chiến đấu thắng cọp, rồi thuần dưỡng, rồi tôn thờ cọp, v.v. biểu hiện những trạng thái tâm lý phức tạp của người lưu dân mở đất.

Từ những tài liệu đã có và cũng từ những ghi nhận qua lời kể của người dân, bài viết này nhằm tìm hiểu về loài cọp ở Nam Bộ dưới góc độ văn hóa.

2. Cơ sở hình thành ký ức về cọp ở Nam Bộ (Cọp Nam Bộ qua các sách địa chí)

Khởi thủy mọi ký ức về cọp của người Việt Nam Bộ gắn liền với tiến trình con người khai phá vùng đất này. Cái buổi ban đầu ấy, những người dân mở đất Nam Bộ với hành trang thô sơ của mình vừa từ ghe bầu, thuyền buồm đặt chân lên vùng đất hoang rậm rạp, sông sâu, thú dữ như hiệp sức thử thách người mới đến. Để khai phá đất, lập làng, lập ấp, người Việt cũng như đồng bào các dân tộc ít người, ngoài việc gặp những cánh đồng hoang vắng, những đầm lầy heo hút, những rừng rậm bạt ngàn, họ còn gặp khá nhiều thú dữ. Đáng nói nhất trong loài thú dữ nơi này là cọp. Cọp rất nhiều là mối đe dọa thường xuyên làm cản trở công cuộc khẩn hoang lập ấp, đe dọa thường trực tính mạng của con người sống ở đây:

Đồng Nai xứ sở lạ lùng,

Dưới sông cá lội, trên rừng cọp um.

*Cọp Gia Định:

Sách Đại Nam nhất thống chí ghi mùa xuân năm Canh Dần 1770 đời vua Duệ Tông có con mãnh hổ vào nhà người ở phía nam chợ Tân Cảnh, hai nhà sư Hồng Ân và Trí Năng đã diệt được cọp [Đại Nam1973a:107]. Trịnh Hoài Đức đã ví loài này ở đất Gia Định bằng những câu tục ngữ: “Dữ như cọp Vườn Trầu”, “Ác như sấu Vũng Gấm”. Viết về “Vườn Phù Lâu”[1], ông cho biết “chỗ ấy còn nhiều rừng rậm, mãnh hổ thường hay bắt người, nên có câu “dữ như cọp Vườn Trầu”[Đại Nam1973a: 48, 72].

Đến cuối thế kỷ XIX, ấy thế mà số người chết vì cọp vẫn còn đáng kể “...cọp, sấu còn hoành hành ở vùng quê Bến Tre, Gò Công, An Hóa vào khoảng 1900 - 1910, nào riêng gì vùng sình lầy phía Cà Mau. Bên bờ Hậu Giang ngày nay, vùng Phong Điền nổi danh trù phú với vườn cam quýt - vào khoảng 1900 cọp vẫn còn tại đó” [Sơn Nam 1985: 265]

Năm 1909, tuần báo Nam kỳ địa phận dành để tuyên truyền phổ biến giáo lý đạo Thiên chúa mà còn đăng tải những tin tức về tai nạn người bị cọp hại như chuyện thời sự hàng ngày:

Vùng cầu An Hạ, 3 tháng có 12 người.

Vùng cầu Hóc Môn, trong một vài tuần có 4 người.

Vùng Thủ Dầu Một, trong vài tháng 8 người.

Mãi đến sau năm 1930 mà cọp còn lảng vảng ở vùng Rạch Giá, Cà Mau, Bảy núi. [Sơn Nam 2004a: 381].

*Cọp Tây Ninh:

“Ngày xưa Tây Ninh toàn là rừng già... cho nên nó là giang sơn của cọp, voi, mang, mển... Thời ấy chúa sơn lâm hay bén mảng gần xóm đông dân cư để rình bắt heo bò và cõng người về rừng xé xác... Năm 1947-1948 cọp loạn rừng. Tại xã Ninh Thanh - ấp Chánh, cọp đã ăn 3 mạng và mỗi đêm thường về ấp này bắt heo mang vô rừng ăn dần”[ Sơn Nam 2004a: 165].

*Cọp Vũng Tàu:

“Vùng Núi Lớn xã Thắng Nhì gần chợ Bến Đá, có ngôi chùa gọi là Điện Bà do nhà sư họ Trương sáng lập. Bên cạnh Điện Bà năm 1949 còn dấu tích hai miệng hang lớn, theo lời của dân chúng kể lại, đó là hai cái hang ông thần Hổ ở tu ngày xưa. Họ kể rằng, vào thời kỳ này có hai vị chúa sơn lâm chiều chiều khi tới giờ công phu, thường đến ở ngoài ngồi nghe kinh, và chẳng bao giờ bắt gà vịt, phá quấy dân ở quanh vùng, sau đó ở tu luôn tại hai cái hang ấy. Một ông tu tại đó cho tới chết, còn một ông bị người Pháp bắn nhầm khi đi kiếm ăn ngoài rừng. Trong chùa hay tin tới xin xác về chôn tại trong hang ông ở, lấy lại cái đầu phơi khô đem thờ trong chùa, sau bị đánh cắp mất. Ngôi chùa này trước có tên là Long Nhan điện” [Huỳnh Minh 2001b: 168].

Một di tích của thời cọp lộng hành Vũng Tàu năm xưa là miếu thờ thần Hổ, về sau này Hội điện sửa sang và xây cất lớn lên thành Điện thờ Ngũ hành và Quan Thánh. “Con đường mòn từ trên ngọn hải đăng đi xuống bãi Thùy Vân ngày xưa dây leo chằng chịt, cây cối rậm rạp rất khó đi, được dân sở tại đặt tên làđường mòn Ông Hổ” (con đường từ núi Nhỏ xuống biển) [Huỳnh Minh 2001b: 134,137].

*Cọp Bến Tre:

Trên dải cù lao An Hóa (nay là đất Châu Thành, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre), mãi đến năm 1902, địa phương chí tỉnh Mỹ Tho[2] vẫn chép: “làng Tân Định... có rừng cọp, heo rừng, nai, chồn”, “làng Bình Đại dã thú lớn rất nhiều”, “làng Thới Thuận lắm cọp, heo rừng”...

Viết về trấn Vĩnh Thanh của Nam Bộ xưa thì: “Xứ này có nhiều sấu và cọp dữ, nhưng dân cư đã quen thường, nên không sợ hãi, tuy người bé và đàn bà cầm dao cắt cỏ và đòn xóc cũng bắt được cọp”[ Đại Nam1973b: 21].

*Cọp Bạc Liêu - Cà Mau:

Người dân nơi đây còn nhớ:

Cà Mau lúc trước thấy mà ghê!

Ai muốn làm ăn đến phải về.

Dưới nước đỉa lềnh, sấu lểnh nghểnh,

Trên bờ cọp rống, muỗi vo ve...

Ở Cà Mau còn tương truyền “Cọp Cà Mau,hàu Đá Bạc”. Năm 1898, một quan chức của Pháp khi báo cáo về thị xã Cà Mau vẫn nói: “sau mấy rặng bần, rặng cau quanh chợ là vùng đất thấp, về đêm nghe rõ từng bầy nai gọi nhau và cọp rống vang dội từng chặp”[ Sơn Nam 1985: 68].

“Cọp Cà Mau không dữ tợn như ở miệt núi cao, rừng rậm. Nhiều khi đi rừng ăn ong, đốn đuôn hay đốn lá, róc lạt hoặc đốn cây, nếu rủi gặp cọp thì nạt lớn vài tiếng vang dội, cọp hoảng sợ cong đuôi chạy mất. Nhưng đôi khi đói quá cọp cũng vào tận xóm bắt heo và bắt người ăn thịt. Một lần bắt heo của thím Khiều, hai lần bắt cháu ông giáo Hậu và ông thân bác hương hào Gố. Vì vậy tại vùng Cà Mau, không ai dám gọi là “con” mà gọi “ông Thầy”, “ông Hổ”, hoặc “hia Cọp”, “khái”,hoặc “Hương quản”. Đình nào, miếu nào cũng có thờ cọp, gọi là miếu ông Hổ. Còn ngay trước sân đình xây một miếng tường bề cao lối 2 thước, có đắp nổi hình con cọp to, vằn vện thấy rõ”. “...cọp nhiều nhất ở Cái Bát, Trèm Trẹm và Năm Căn. Có người thuật lại rằng tại Cái Bát, một chị vì con khóc lúc ban đêm, dỗ không nín, bèn bồng lại sát vách lá, nơi có lỗ trống dưới chân giường, đưa chân ra ngoài lỗ vách rồi rủa “cọp mà bắt mày”. Rủi cho đứa bé, lúc ấy một con cọp rình ở ngoài từ hồi nào, thò chân vô chụp đứa bé tha đi mất. Từ đó về sau, xóm này không ai dám rủa “cọp bắt mày” hay “cọp vật mày” nữa”. [Nghê Văn Lương, Huỳnh Minh 2003: 107-108].

Tại tỉnh Cà Mau, hầu hết đồng bào còn tương truyền câu truyện Bà mụ Trời làm một việc bất đắc dĩ mà cũng là một việc hy hữu, tức là hộ sanh cho cọp. Tương truyền tại Rạch Bàn, thuộc quận Cái Nước có một bà nhân đức tên là Trần thị Hoa, tục gọi là bà mụ Tư làm nghề hộ sanh. Thường lệ nơi đây hễ mặt trời lặn thì ai ở nhà nấy, rồi cửa đóng then cài, vì thú dữ nhiều quá nên họ sợ. Một bữa nọ vì phải giúp một sản phụ khó sanh, nên bà mụ Tư về muộn. Chủ nhà phải mướn 4 người trai tráng đưa bà về. Về gần tới nhà, bỗng nghe tiếng cọp hộc rất lớn làm mọi người hốt hoảng tay chân bủn rủn, có người vãi đái ướt cả quần. Khi hoàn hồn, bốn tráng đinh thấy mất bà mụ Tư, thì quả quyết bà bị ông Thầy[3] bắt ăn thịt. Sáng hôm sau đã thấy bà ở nhà. Thì ra sau khi đón bà mụ Tư đi đỡ đẻ cho vợ cọp xong, cọp đực cõng bà về. Từ đó về sau, cọp luôn đến đền ơn bà [Huỳnh Minh 2002: 96.]

Ở đồng bằng Nam Bộ thế kỷ thứ XVII – XVIII, cọp nhiều vô kể. Chúng sinh sống nhan nhản ở miệt U Minh, ở các cánh rừng ngập mặn tại các cửa sông Tiền, sông Hậu, kể cả những nơi đã được khai hoang khá sớm như Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long... Dân gian khái quát nỗi kinh sợ của họ về vùng đất mới này như sau:

-Cà Mau khỉ khọt trên cây,

Dưới sông cá lội, trên giồng cọp đua.

-U Minh Rạch Giá thị quá sơn trường,

Dưới sông cá lội, trên rừng cọp đua.

Vị thế địa lý, điều kiện tự nhiên tạo ra tâm thế con người Nam Bộ phải luôn tự vượt lên, tự mình phải giải quyết những khó khăn gay gắt cấp thiết đặt ra cho công cuộc định cư sinh sống trên vùng đất mới. Rừng rậm cọp beo và sông sâu sấu đỉa là ấn tượng sâu sắc trong tâm hồn của những người di dân, nó tồn tại dai dẳng mãi về sau này.

-Chèo ghe sợ sấu cắn chưn,

Xuống sông sợ đỉa, lên rừng sợ ma.

Không còn con đường nào khác, để bám chân được vào vùng đất này, người dân Nam Bộ buổi đầu đã tốn biết bao công sức, trí tuệ và lòng can đảm, dũng cảm khắc phục thiên nhiên và đối chọi với thú dữ. Chính đó là điều kiện tạo nên nghị lực đặc biệt của người Nam Bộ, như nhà văn Trần Hiếu Minh khi nói về người dân Nam Bộ đã khẳng định: “Đây là sơn thủy cùng tận rồi. Đến đây chỉ còn hai con đường, một là không đủ nghị lực sống nữa thì đâm đầu xuống biển mà chết, hai là cố bám lại đấu tranh để mà sống. Con người đến đây là con người liều, ngang tàng nghĩa khí” [Trần Hiếu Minh 1966: 21,22].

Có thể nói, trang sử thứ nhất của vùng Nam Bộ do người Việt, Chăm, Khmer, Hoa, cũng như Mạ, Mnông, Stiêng, Chơro viết nên bắt đầu từ những ngày đánh cọp để tồn tại. Thực tế lịch sử ấy là cơ sở hiện thực cho nguồn truyện dân gian về cọp ở Nam Bộ khởi nguồn cho mọi sáng tác dân gian của người Kinh cũng như người các dân tộc khác về cọp. Từ hình tượng cọp ngoài đời, cọp trở thành một hình tượng văn hóa, cọp xuất hiện trong quan niệm, cọp bảo lưu trong ký ức, cọp tồn tại trong cách nhìn, trong các thể loại truyện kể dân gian, truyện viết, v.v...

Cọp qua truyện kể

Truyện dân gian về cọp có nhiều hay ít tùy thuộc vào mật độ cư trú nhiều ít, tùy thuộc vào mức độ mà con người đối mặt với chúng. Những câu chuyện kể về cọp còn phản ánh những thái cực khác nhau trong tâm lý tình cảm của con người đối với loài này.

Thái độ của người dân hồi đó đối với cọp cũng rất lạ. Với người lưu dân đi khai khẩn đất hoang lập làng ấp, phum sóc, cọp là một kẻ thù nguy hiểm đáng sợ, vì thế để có được địa bàn sinh sống yên ổn để lao động sản xuất thì họ phải đánh bại cọp, chinh phục cọp, thuần hóa cọp; nhưng trong khi vừa sợ hãi thì mặt khác họ lại vừa tôn kính cọp. Cả hai điều ấy ghi nhận một hiện thực phức tạp trong tâm lý con người mở đất, vì thế trong những truyện dân gian về cọp phản ánh những xu hướng hiện thực hoặc thần thánh hóa, nhân cách hóa cọp và cả những con người đánh cọp hoặc thuần hóa cọp.

Truyện đánh cọp, diệt cọp:

Bến Tre là xứ sở nổi tiếng lắm cọp, nhiều sấu. Truyện kể về việc đánh cọp, diệt sấu đã đi vào truyền thuyết dân gian phổ biến với mức độ đậm đặc nhất so với các địa phương khác ở Nam Bộ. “Đến Bến Tre, từ vùng đất nhiễm mặn đến vùng nước ngọt, đâu đâu ta cũng có thể nghe kể chuyện về cọp, những giai thoại bắt cọp, diệt cọp đầy tính chất can trường và dũng cảm, những chuyện thuần hóa cọp để cưỡi đi chơi, đi ăn giỗ, từ chuyện Bà Mụ đỡ đẻ cho cọp đến chuyện “Nghĩa hổ” mang tính ngụ ngôn. Dù được người đời thêm thắt ít nhiều nhằm ly kỳ hóa sự việc, cái lõi của sự thật vẫn là: nơi đây đã có một thời không hiếm những loài thú dữ bốn chân... con người đã phải chống trả lại chúng vô cùng vất vả để tồn tại”[ Thạch Phương, Đoàn Tư (cb) 1991: 154].

Truyện về hai anh em Bảy Giao, Chín Quỳ lưu truyền khắp vùng Cồn Tàu (Bến Tre) và cả Mỹ Tho, Vĩnh Long. Truyện kể: vùng Cồn Tàu (Bình Đại) lúc còn hoang vu, là giang sơn của một vị hung thần rất thiêng, có hai bộ hạ là hổ và lợn trấn giữ, ai muốn khai phá phải nộp mạng người. Hai anh em Bảy Giao và Chín Quỳ nghe tin đó liền đến đây xin được phá rừng và hẹn ba năm sau sẽ nộp mạng, thần đồng ý. Đến kỳ hạn nộp mạng, hai anh em nhờ thợ rèn, rèn cho hai côn sắt to, rồi quyết tử với hai bộ hạ của hung thần. Hai anh em giao đấu khá vất vả, cuối cùng cũng hạ được đối thủ. Từ đó thần hết thiêng, không còn đòi nạp mạng và dân làng đã đổ xô tới lập nghiệp ở Cồn Tàu.

Truyện về hai thầy trò nhà sư Hồng Ân và Trí Năng, sử chép rằng: vào giữa ngày tết năm 1771, cọp từ rừng Sác, có lẽ từ phía Cần Giuộc kéo về chợ Tân Kiểng trên đường vào Chợ Lớn, bà con cấp báo cho quân sĩ ở đồn Dinh. Lúc bấy giờ có hai thầy trò nhà sư rất giỏi võ nghệ là sư Hồng Ân và Trí Năng xung phong dùng côn giết cọp. Mãnh thú bị hạ, nhưng sư Hồng Ân cũng bị thương rồi chết.

Trong nhiều truyện không những kể về việc đánh cọp mà còn thuần dưỡng được chúng, như truyện về Ông Yến ở Tân Hưng (Ba Tri, Bến Tre): đêm nọ có con cọp bạch thò đuôi vào chuồng gia súc, ông Yến ra xem, nắm được đuôi cọp. Sợ nắm không chặt, ông dùng răng cắn giữ chót đuôi phụ với hai tay. Bà Yến thấy vậy, xách mác chạy ra đâm chết cọp. Con cọp “xuất tướng tinh” nhập vào ông Yến, từ đó trở về sau ông Yến trở thành chúa cọp, tất cả cọp lớn nhỏ trong vùng đều phải vâng lời ông và chúng ngoan ngoãn chở ông đi chợ, đi ăn giỗ, đi cúng đình... Khi ông chết, cọp tụ họp đến bên mộ kêu rống thảm thiết, rồi cào đất đắp mộ cho ông.

Thú vị hơn, dân gian Bến Tre còn lưu truyền câu chuyện về ông Vệ Thạnh có tài thuần dưỡng được cọp, thường cưỡi cọp đi ăn giỗ.

Truyện Bà Mụ Trời đỡ đẻ cho vợ cọp, được chúng trả ơn, v.v. Truyện “hổ có nghĩa” như thế này hầu như có ở khắp nước ta, như ở huyện Đông Triều là truyện bà đỡ Trần. Dân gian kể, hổ đực đền ơn cho bà cục bạc, về nhà cân được hơn 10 lạng. Truyện “hổ mắc xương” cũng được kể ở phía Bắc, người cứu hổ là một ông tiều phu ở huyện Lạng Giang, khi ông mất hổ vẫn mang dê, lợn đến cúng trước mồ.

Còn có hàng loạt truyện nói dối, nói xạo nôm na như truyện Ông Ó ở Bến Tre và truyện Bác Ba Phi ở Minh Hải. Ông Ó quê ở Bến Tre là một cây “nói xạo”, những “pha” phóng đại đến ngoa ngoắt hóm hỉnh về cọp như sau: một lần có con cọp từ rừng chạy ra ăn dừa, bị ông Ó bắt gặp. Ông bèn nắm lấy đuôi cọp, đá một cú song phi vào bụng nó, làm cho cọp ỉa vãi ra... một loạt trái dừa. Nơi ấy về sau mọc lên một hàng dừa thẳng băng như kẻ chỉ. (Truyện Hàng dừa của Bà Huyện).

Hãy nghe Bác Ba Phi kể truyện Cọp xay lúa: “có một đêm tôi đang ngủ trên sàn gác, khoảng gà gáy hiệp ba bỗng nghe con heo tạ ngoài chuồng kêu éc éc... tôi liền vác cây mác thong dong phóng xuống rượt, đến sáng mới giựt lại được xác con heo vác về... Không ăn được thịt heo, con cọp chửa đâm ra thù tôi. Trưa bữa sau, hai vợ chồng tôi khiêng cối xay ra xay lúa, đang xay ồ ồ thì tôi lại nghe phía sau bụi ráng có tiếng động rọt rẹt... tôi nói trong bụng: “Bữa nay tao bắt mày xay lúa một trận cho biết tay!”. Tôi kêu vợ tôi xúc sẵn hai chục giạ lúa để kế bên, chờ lúc con cọp nhảy ra chụp phủ đầu, tôi hụp xuống, lách ngang, hai bàn tay cọp bấu tám móng cứng ngắt vào cán giằng xay. Sẵn trớn cái cối đang quay, con cọp rị lui hết vòng thì bị cái cối quay tới... cứ như vậy mà con cọp theo đà cối quay, đẩy tới kéo lui hoài... Tôi đứng một bên, cứ xúc lúa châm vô cối. Đến lúc con cọp xay hết hai chục giạ lúa, tôi kêu vợ tôi vô bồ xúc thêm lúa nữa. Thấy con cọp có chửa nên cũng động lòng thương, vợ tôi bảo tha. Tôi nắm tay cối xay chập mạnh lại cho dừng trớn quay, con cọp bị hụt đà, tám móng rời ra khỏi cán giằng xay, té cắm đầu. Nó lồm cồm ngồi dậy, mệt thở hết muốn ra hơi, bỏ đi vô rừng một nước... không tin, cứ hỏi bà nhà tôi coi!” [Bùi Mạnh Nhị 1989: 27].

Ngoài những truyện kể về người đánh cọp - những bậc tiền hiền khai quốc, hậu hiền khai cơ, những người có công khai phá và bảo vệ thành quả lao động, bảo vệ cuộc sống nói chung - là những câu truyện kể về người thật việc thật có tính chất ký sự; còn dạng tồn tại nữa là những địa danhdân gianliên quan đến cọp.

Địa danh gắn với cọp

Dấu ấn cọp còn để lại qua nhiều địa danh, những địa danh này được hình thành trên cơ sở những sự kiện có thật ở địa phương, gắn bó hữu cơ với quá trình khai khẩn đất đai và tạo lập làng xã.

- Tổng An Thịt ở vùng Cần Giờ, nơi cọp hay ăn thịt người, phải nói trại đi vì kiêng cữ là An Thịt [10: 54].

Đìa Cứt Cọp ở huyện Giồng Trôm, tương truyền ngày xưa ở đây có nhiều cọp, chúng tụ tập săn mồi, phóng uế bừa bãi. Do vậy mà dân gian gọi đìa này làĐìa Cứt Cọp.

- Địa danh mang tên Đồn Cọp ở huyện Chợ Lách (Bến Tre), được kể như sau: nơi đây trước kia cọp thường về phá hoại, dân chúng thường tổ chức lấy thân cau làm rào vây cọp lại, rồi báo cho tỉnh mang súng về bắn chết. Do vậy mà nơi đây có tên này.

- Địa danh Mỏ Cày cũng được dân gian Bến Tre giải thích liên quan đến sự tích về cọp: ngày xưa ở đây có rất nhiều cọp, do đó khi đi làm, người dân phải mang theo mõ, để vừa cày vừa đánh mõ làm cho cọp sợ trốn không dám ra làm hại người. Do đó người ta gọi xứ này là MõCày (chữ  phát âm sai hỏi ngãbiến thành Mỏ). Ở Bến Tre còn có những địa danh như Giồng Ông HổGiồng Rọ (một loại bẫy cọp), bưng Hai Hổmiếu Ông Hổ...[Thạch Phương, Đoàn Tư (cb)1991: 154].

- Ở Sa Đéc còn tên đất gọi là Hổ cứ [Sơn Nam 2004a: 54].

Bãi Hoàng Dung[4] (ở phía tây bắc hạ lưu sông Hậu),doở đây có nhiều cọp nên dân gian cũng gọi nơi này là Hổ châu (cù lao Ông Hổ)[Đại Nam1973b: 29;Thanh Phương 1984: 84-85].

- Đồi ngũ Hổ ở Hà Tiên, hình dạng như dáng cọp ngồi khum lưng cúi đầu, biểu tượng phong cách Hổ phục là vị thế “tượng chầu hổ phục” - chỉ nơi có hệ thống phòng thủ thiên nhiên kiên cố, chính là nơi cứ điểm trọng yếu [Hà Tiên 1901].

Thờ cọp:

Ở Nam Bộ còn có dạng tồn tại khác về cọp là Miếu thờ Cọp.

Phần lớn các đình làng ở Nam Bộ đều có miếu thờ, tượng thờ ông Hổ.

“Ở Long An cọp được thờ ở đình làng như một vị thần, nhưng không phải với ý nghĩa siêu hình, cọp thờ ở Long An là biểu thị một sức mạnh thiên nhiên có thể hại người mà cũng có thể giúp người, cụ thể hóa thành con thú có vằn đen xưa kia sống quanh xóm làng” [Văn Đình Hy 1985: 64-68].

-Đình làng Quới Sơn (Châu thành, Bến Tre) còn thờ cả cái sọ cọp.

Miễu thờ Cọp Bạch (ở trại ruộng Phước Điền - xã Thới Sơn - huyện Tịnh Biên - An Giang) là một ngôi miếu thờ Sơn quân thường thấy ở đình làng Nam Bộ. Tuy nhiên, việc thờ cọp bạch ở đây gắn liền với công đức của Phật thầy Tây An và ông Tăng chủ Bùi thiền sư (người được Phật Thầy Tây An giao cho coi sóc trại ruộng Thới Sơn - đất hương hỏa của chùa Tây An). Truyện kể rằng thuở đó vùng Thới Sơn là sơn địa hoang vu, trong vùng núi Két có rất nhiều cọp dữ. Một hôm Phật Thầy Tây An đi xa về thấy con cọp bạch bị ốm ngồi cú xụ gần bàn thông thiên, bèn gọi ông Tăng chủ ra xem bệnh. Tăng chủ xem qua biết cọp bị mắc xương ở cổ, ông bèn bảo cọp cúi đầu xuống và đấm vào cổ nó một cú đấm, cục xương vọt ra ngoài. Cọp bạch ngước mắt nhìn ông Tăng chủ tỏ ý biết ơn rồi rón rén bước chậm rãi vào rừng. Cách vài hôm, cọp bạch cõng lại một con heo rừng đặt trước cửa để đền ơn ông Tăng chủ. Cũng từ đó, lũ cọp trong rừng không còn bén mảng tới phá quấy dân chúng ở đây nữa. Mỗi khi ông Tăng chủ vào rừng thì lũ cọp đều bỏ chạy hoặc theo ông như chó nhà theo chủ đi rừng vậy. Về sau cọp bạch già chết, ông Tăng chủ và ông Đình Tây cất một cái miễu nhỏ tại đình làng gần chùa Thới Sơn để thờ, nay miễu vẫn còn, khói nhang không dứt [Sổ tay 2002: 117, 388].

Đình Ông Hổ (ở xóm 1, Cửa Lấp, xã Dương Tơ, huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang): theo lời truyền khẩu, có mấy ông Hổ thường bơi vượt biển ra đảo Phú Quốc để tìm mồi. Một hôm có một ông bơi qua biển, bị cá mập táp cụt mất một chân, nên ở lại Phú Quốc luôn, từ đó rất hiền lành, không bắt gia súc, gia cầm hay hại dân làng. Dân chúng cho rằng cọp đã tu, nên lập đình để thờ [Sổ tay 2002: 377].

Dinh Ông “Ở xã An Thạnh, huyện Bến Lức còn dấu tích việc bầu cọp làm Cả, đó là cái am nhỏ bằng lá mà người ta gọi là Dinh Ông nằm bên bờ con rạch tên là rạch Dinh” [Văn Đình Hy 1985: 64, 68].

- Chùa Ông Ngộ (ở Cần Giuộc - Long An), thờ ông Tăng Ngộ là người có công diệt trừ cọp dữ vào những năm đầu đời Gia Long ở đất Gia Định.

Tất cả dạng truyện kể về cọp nêu trên đã cung cấp cho chúng ta những nhận thức về lịch sử của buổi ban đầu khai sơn phá thạch vùng đất Gia Định (gồm cả Nam Bộ) - công cuộc chinh phục thiên nhiên đầy gian lao nguy hiểm, cùng với phong tục tập quán của người dân trên vùng đất mới. Nhưng điều quan trọng hơn hết là nó đã giúp chúng ta hiểu được những bí ẩn trong tình cảm và tâm hồn của người dân ở đây; một mặt họ vừa sợ vừa kiêng nể cọp và phải thờ cọp làm “sơn quân chi thần” và mặt khác là phải đánh cọp để tự vệ, để bảo vệ cuộc sống. Rõ ràng, trong thực tế ở vùng đất mới, yêu cầu bảo vệ cuộc sống, phát triển sản xuất và mở rộng địa bàn lân - ấp - làng - xã là rất bức thiết; việc đánh cọp, giết sấu là việc to lớn của thời kỳ đó. Đó là những việc làm và những thành tích của tập thể mà nổi bật là những cá nhân xuất sắc đại biểu cho lòng can đảm và ý chí chiến thắng của người dân Nam Bộ và nó trở thành những truyền thuyết phổ biến sâu rộng và bền bỉ trong ký ức người dân.

Truyện kể về cọp bên cạnh những yếu tố hiện thực lại có cả yếu tố hoang đường. Các yếu tố hiện thực thể hiện ở tính chất chỉ định về tên người, tên đất và thời gian xảy ra câu chuyện. Những tên đất, tên người gắn liền với sự việc, chi tiết của mỗi truyện thường là những tên đất, tên người có thực, có địa chỉ. Còn yếu tố hoang đường là cơ sở hình thức, tức là phương thức nhận thức hiện thực và phản ánh hiện thực. Dù hiện thực hay pha chút ít truyền thuyết hoang đường, những câu truyện về cọp cũng bộc lộ những mơ ước, những ẩn chứa sâu sắc về sự ngoan cường, quả cảm, mưu trí và tinh thần nhân nghĩa của người đi mở đất. Đánh cọp là thành tích to lớn của thời kỳ ấy, do đó những người đánh cọp phải được khắc họa là những con người có khả năng võ nghệ đặc biệt, hay một thần lực nào đó khiến cọp phải nể phục. Điều đáng lưu ý là yếu tố hoang đường bắt nguồn từ quan niệm đạo đức , đức độ của con người khiến cọp phải khuất phục. Chẳng hạn ông Tăng Ngộ là bậc chân tu, giàu lòng vì nghĩa; các bà Mụ tài giỏi hăng hái cứu đời, truyện Nghĩa Hổ kể về việc nuôi hổ được hổ trả ơn, khi chủ chết hổ đập đầu chết theo chủ... vì đức độ như vậy mà đã cảm hóa được cọp.

Nét chủ đạo của truyện đánh cọp, diệt sấu là tính chất hào hùng của cuộc chiến đấu chống lại những thế lực hắc ám của tự nhiên. Có thể xem những nhân vật đánh cọp trong các truyện dân gian về cọp chính là sự tiếp nối những nhân vật văn hóa thuở xưa. Những truyện này có nét gần gũi với chiến công của Lạc Long Quân diệt Mộc tinh ở rừng núi, diệt Hồ tinh ở đồng bằng, diệt Ngư tinh ở biển trong thời dựng nước. Ý nghĩa lớn lao của truyện đánh cọp và giết sấu ở chỗ nó khẳng định quyền làm chủ chân chính của người Việt trên mảnh đất mới. Những người đã chiến đấu và chiến thắng cọp, sấu nơi rừng rậm, sông rạch sình lầy để biến đổi vùng đất hoang vu này thành ruộng thành làng trở thành chủ nhân của những thành quả ấy.

Ở tất cả các loại truyện, đã xuất hiện những nét cơ bản làm tiền đề cho tính cách và tâm lý của người Việt ở Nam Bộ, đó là tinh thần trọng nghĩa: hai thầy trò nhà sư Hồng Ân và Trí Năng thấy cọp ở chợ Tân Kiểng liền xin vào đánh cọp giúp dân; Tăng Ngộ thấy rừng rậm hùm beo cản trở công việc làm ăn của dân làng thì nghĩ cách chặt cây, đắp lộ cho dân... giống như tinh thần nhân nghĩa thời Nguyễn Trãi “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” vậy. Truyện bà Mụ đỡ đẻ cho cọp đề cập đến ba vấn đề lớn: tài hộ sản của bà Mụ, đức tính vì nghĩa không phân biệt đối tượng cứu giúp của bà Mụ, tinh thần trọng ơn nghĩa của loài thú dữ (cọp đem heo rừng đền ơn cho bà Mụ). Cả ba vấn đề ấy đều có những yếu tố tiềm ẩn đằng sau là tập trung đề cao tinh thần vì nghĩa, cụ thể là y đức của bà Mụ - người thầy thuốc có vai trò quan trọng và cần thiết ở bất cứ làng xã nào trong thời kỳ khai hoang lập ấp lúc bấy giờ. Ở đây nghĩa nhân và đạo lý xử thế ở đời quyện lại thành chủ đề lớn của câu truyện có phần hư cấu, nhưng được truyền tụng như một sự kiện có thật. Đây cũng là một nét văn hóa lớn của người Việt nói chung và người Nam Bộ nói riêng. Chính những nguồn truyện này chứng tỏ sức sống mãnh liệt của văn hóa dân gian Việt Nam ở vùng đất mới.

Hình tượng và biểu tượng cọp

Đối với cư dân Nam Bộ thời xa xưa, cọp không có nghĩa dữ dằn mà chỉ là con vật hiền lành như mọi thú nuôi khác, cọp gần gũi với người nông dân, nên đồng dao có câu:

“Cọp rừng Sác moi ốc bắt cua

Cọp rừng thưa săn rùa ví thỏ

Cọp đồng cỏ đuổi chó rình chim

Cọp rừng sim ăn ong hút mật... ”

Cọp ngoài đời trở thành con vật gần gũi, nhưng khi trở thể hiện qua hình tượng nghệ thuật, cọp còn mang cả yếu tố tâm linh, được thần thánh hóa, vẽ thành tranh thờ cúng. Tượng hổ làm bằng đá vôi ở lăng Trần Thủ Độ dài 1,40 mét, phô diễn một sức mạnh kiêu dũng, như bừng lên chất sử thi bi tráng của người có công tạo dựng triều Trần. Phù điêu hổ ở nước ta có từ thời Trần, Lê trên nhang án đá chùa Đại Bi (Hà Tây, năm 1361) như hiện thân của thần, như một biểu tượng văn hóa tâm linh.

Người Nam Bộ hãy còn tôn thờ cọp, hoặc kiêng kỵ cọp, như gọi cọp là Ông để tránh xưng danh cọp: cọp ưa đi đêm gọi là Ông Ba mươi, cọp ba chân gọi làÔng Ba cụt,cọp ba móng gọi là Ông Ba ngoe, cọp thành tinh gọi là Ông Chằng hay Ông Kẹ. Cọp còn được thờ phượng như Chúa sơn lâm hay Sơn thần. Dân gian có tục lệ là vào ngày mồng ba tết nguyên đán, sau khi cúng đưa ông bà xong, thường dán trước cửa nhà mảnh giấy hồng điều có hình cọp với lòng tin làÔng Ba mươi sẽ trấn giữ không cho những thứ hiểm độc vào nhà. Ông già, bà cả còn truyền dạy: nếu trẻ con khóc đêm thì người mẹ phải lén “ăn trộm” hình vẽChúa sơn lâm để trong gối nằm của trẻ thì chúng sẽ hết khóc. Trong tín ngưỡng có tranh thờ hổ như: Hắc hổ, Bạch hổ, Ngũ hổ. Tranh Ngũ hổ còn gọi là tranh Ông Năm Dinh tượng trưng cho năm vị thần tướng ngự trị ngũ phương, dân gian vẽ thành năm màu: Hoàng hổ tướng quân màu vàng trấn nhậm Trung Tâm, Hắc hổ tướng quân màu đen trấn nhậm phương Bắc, Bạch hổ tướng quân màu trắng trấn nhậm phương Tây, Xích hổ tướng quân màu đỏ trấn nhậm phương Nam,Thanh hổ tướng quân màu xanh trấn nhậm phương Đông.

Kết luận

Cơ sở hình thành ký ức về cọp Nam Bộ gắn liền với tiến trình con người khai phá vùng đất này, thực ra không hơn ba thế kỷ. Nhưng con người đến lập nghiệp ở vùng đất mới thời ấy có cội nguồn văn hóa dân tộc từ đồng bằng sông Hồng, khi di cư đến vùng đất mới đã phải ứng xử với một hoàn cảnh thiên nhiên mới cùng với quá trình giao lưu với các nền văn hóa khác và những vốn văn hóa cội nguồn mang theo như đã được nảy lộc đâm chồi. Những câu truyện dân gian, những tín ngưỡng về cọp đã thể hiện điều đó.

Đối với nhân dân miền Nam, cọp trong ký ức của họ tuy kinh khủng nhưng chỉ tồn tại trong ký ức xa xưa, còn trong tình cảm cọp vẫn có sự gần gũi, thân thương như chính sự gắn bó giữa thiên nhiên với con người. Cọp vẫn mãi là hình tượng đẹp để trang trí, để tôn thờ, để ngợi ca về sự dũng mãnh, về sức mạnh kiêu hùng và đôi khi cũng để sẻ chia nỗi lòng của hổ:

“Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt

Ta nằm dài trong ngày tháng dần qua,

Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ,

Giương mắt bé diễu oai linh rừng thẳm...

... Ta sống mãi trong tình thương nổi nhớ

Thuở tung hoành hống hách những ngày xưa

Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây gia,ø

Với tiếng gió gào, với giọng nguồn hét núi

Mỗi khi thét khúc trường ca dữ dội,

Ta bước chân lên dõng dạc, đường hoàng,

Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng,

Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc”...


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  © 2016 168 TRAVEL CO.,LTD. 
All rights reserved.